• Đèn LED ứng dụng trong khai thác thủy sản

Thứ 4 | 14/06/2017 - Lượt xem: 1828
Đèn LED (Light Emitting Diode) được biết đến như là công nghệ thân thiện với môi trường do giảm lượng khí thải CO2, trong công nghệ đèn LED không sử dụng các chất độc hại như: thủy ngân, chì, cadium nên không gây độc cho con người và môi trường.

Đặc biệt sử dụng đèn LED có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu từ 50-70% so với các loại đèn thông thường, tuổi thọ của đèn LED cao hơn gấp 5-10 lần so với các loại đèn thông thường. Vì những tính năng ưu thế, vượt trội nên công nghệ đèn LED hiện nay được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như: chiếu sáng công cộng, làm màn hình của thiết bị điện tử, các loại bảng quảng cáo ngoài trời, dùng trong công nghệ trang trí, giải trí, đèn xe ô tô và xe máy… Hiện nay nhiều nước đã sử dụng công nghệ đèn LED trong khai thác thủy sản và đã chứng minh tính hiệu quả của nó về kinh tế và môi trường. Ninh Thuận là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, sử dụng công nghệ đèn LED cho nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Kết quả sau hơn 2 năm nghiên cứu cho nghề lưới vây xa bờ, đề tài đã có những kết quả khá quan trọng, làm cơ sở khoa học cho việc ứng dụng rộng rãi công nghệ này cho nghề đánh bắt cá xa bờ bằng ánh sáng trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận có đường bờ biển dài 120km với vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Vùng biển Ninh Thuận chứa đựng các nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng với nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao. Theo kết quả nghiên cứu, ngư trường Ninh Thuận có hơn 500 loài cá biển, trong đó có hơn 100 loài có giá trị kinh tế. Tổng trữ lượng ước tính khoảng 120.000 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác cho phép khoảng 50-60 nghìn tấn/năm.  

Biển Ninh Thuận thuộc loại có độ dốc lớn, thuận lợi cho việc ra vào của nghề lộng và nghề khơi. Mặt khác, vùng biển Ninh Thuận là nơi tập trung một lượng lớn cá nổi như cá cơm, cá nục… Ước tính sản lượng cá nổi khai thác hàng năm chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác hải sản của toàn tỉnh. Chính vì vậy, nghề khai thác cá bằng ánh sáng ở Ninh Thuận tương đối phát triển, trong đó đặc biệt là nghề lưới vây kết hợp ánh sáng. Theo thống kê tính đến 2014 toàn tỉnh có 188 tàu thuyền làm nghề lưới vây kết hợp ánh sáng/2.668 tàu thuyền hiện có, ngư trường hoạt động chủ yếu của nghề lưới vây kết hợp ánh sáng là Ninh Thuận-Bình Thuận ở độ sâu từ 45-90m nước. Chủng loại bóng đèn hiện nay sử dụng trên tàu lưới vây kết hợp ánh sáng là loại đèn huỳnh quang (40w/bóng) và đèn cao áp (500-1000w/bóng). Công suất nguồn sáng trang bị trên tàu dao động 8,71-20,12kW. Nhược điểm của đèn huỳnh quang là hiệu suất phát sáng thấp (<75lumen/W) dẫn đến tiêu tốn nhiều nhiên liệu chạy máy phát điện, tuổi thọ ngắn (<5000 giờ). Đối với bóng đèn cao áp thường sinh ra nhiệt lượng lớn, bóng thường bị nóng, khi gặp nước hoặc trời mưa bóng dễ bị bể. Mặt khác, trong quá trình sử dụng nếu nguồn điện từ máy phát điện không ổn định, điện áp giảm đột ngột thì sẽ làm cho bóng cao áp bị tắt, ánh sáng chậm phục hồi làm cho cá hoảng sợ không tập trung.
Trong thử nghiệm nhóm nghiên cứu đã bố trí 32 cụm đèn LED (mỗi mạn cabin 12 cụm và phía sau lắp 8 cụm), mỗi đèn LED có công suất 100W. Kết quả nghiên cứu sẽ được đối chứng với 1 tàu của ngư dân có cùng công suất, chiều dài, chiều rộng nhưng dùng các loại bóng đèn thông thường (huỳnh quang, cao áp). Tổng quang thông trên 2 tàu được tính toán là tương đương nhau khoảng 600.000 lumen.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của cho thấy:

-Về độ rọi: kết quả cho thấy độ rọi của tàu có sử dụng đèn LED lớn hơn 1,4 lần so với tàu đối chứng mặc dù tổng công suất chiếu sáng trên tàu có đèn LED chỉ bằng ¼ so với tàu đối chứng. Độ rọi lớn nhất của tàu sử dụng đèn LED là 1753lux, trong khi đó tàu đối chứng chỉ đạt 1252lux. Khoảng cách chiếu sáng trên mặt nước của tàu sử dụng đèn LED là 65m/1lux, trong khi đó tàu đối chứng chỉ có 45m/1lux.
- Về độ sâu chiếu sáng: nghiên cứu cho thấy độ chiếu sáng sâu nhất 2 bên mạng và đuôi tàu sử dụng đèn LED tương ứng là 40,6m và 36,9m, trong khi đó con số này ở tàu đối chứng chỉ đạt 35,6m và 30,7m. Kết quả này cho thấy đèn LED có khả năng chiếu sâu hơn các loại đèn mà ngư dân đang sử dụng.

- Về sản lượng và thành phần cá đánh bắt: kết quả đánh bắt của 3 chuyến biển cho thấy: tàu sử dụng đèn LED luôn cho sản lượng cao hơn tàu đối chứng. Tổng sản lượng cá đánh bắt được của tàu sử dụng đèn LED trong 3 chuyến biển là 59.166 tấn, trong khi đó tàu đối chứng chỉ khai thác được 51.930 tấn. Về thành phần loài cá cho thấy không có sự sai khác giữa tàu sử dụng đèn LED và tàu đối chứng. Quan trọng hơn, qua đánh bắt cho thấy: 80% mẻ lưới của tàu sử dụng đèn LED tập trung từ khoảng 22-24h, trong khi đó 92,1% mẻ lưới tàu đối chứng khai thác sau 23h. Qua đó cho thấy việc sử dụng đèn LED có khả năng thu hút cá đến sớm hơn đèn ngư dân đang sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc số mẻ lưới đánh bắt sẽ tăng lên, đây là yếu tố quan trọng quyết định nâng cao sản lượng. 

- Về chi phí nhiên liệu: kết quả 3 chuyến biển cho thấy tổng lượng nhiên liệu của tàu sử dụng đèn LED là 1821 lít, trong khi đó lượng nhiên liệu của tàu đối chứng là 4689 lít. Như vậy, tàu sử dụng đèn LED chỉ tiêu tốn nhiên liệu bằng 38,9% so với tàu đối chứng. Điều này chứng tỏ rằng tàu sử dụng đèn LED mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các tàu của ngư dân sử dụng các loại bóng đèn thông thường khác. Theo tính toán để đánh bắt được 1kg sản phẩm thì tàu sử dụng đèn LED cần sử dụng 0,03 lít dầu, trong khi đó tàu đối chứng là 0,09 lít. Việc tiết kiệm lượng dầu sử dụng ngoài việc giảm chi phí khai thác, nó còn có ý nghĩa góp phần giảm ô nhiễm môi trường do khí thải CO2 gây ra (theo tính toán khi đốt cháy 1kg dầu sẽ thải ra môi trường 3,19 kg khí CO2 - Ozaki, 2004).

Như vậy, qua kết quả nghiên cứu sử dụng công nghệ đèn LED trên tàu lưới vây kết hợp với ánh sáng cho thấy: đèn LED có nhiều ưu điểm và tính năng vượt trội hơn so với các loại bóng đèn thông thường đang sử dụng trong ngư dân hiện nay, hiệu quả kinh tế mang lại từ tàu khai thác có sử dụng đèn LED cũng cao hơn tàu khai thác của ngư dân. Tuy nhiên, nhược điểm của đèn LED hiện nay là giá thành quá cao (cao hơn khoảng 5,5 lần so với đèn Halide và đèn huỳnh quang). Do vậy việc đầu tư thiết bị đối với ngư dân là khó khăn. Trong thời gian đến, để công nghệ này được áp dụng rộng rãi trong nghề khai thác bằng ánh sáng, thì cần phải phối hợp với các công ty sản xuất bóng đèn trong nước, nghiên cứu sản xuất các loại đèn LED có giá thành hợp lý để ngư dân có thể dể dàng trang bị, đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu một số nội dung làm cơ sở khoa học cho ứng dụng trong đánh bắt như: độ đồng đều của ánh sáng LED, sự thích ứng của các loài cá đối với phổ ánh sáng LED, tính toán công suất của Dinamo phù hợp với công suất của đèn LED trên tàu… với những ưu điểm vượt trội so với các loại bóng đèn thông thường, chắc chắn công nghệ đèn LED sẽ được ứng dụng rộng rãi cho nghề khai thác hải sản kết hợp ánh sáng trong thời gian không xa.
Theo Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận
Đang tải bình luận,....
Khái niệm về mảnh gỗ chiếu sáng có vẻ sẽ khiến cho nhiều người lần đầu tiên nghe thấy rất khó để hình dung, tuy nhiên nhà thiết kế đến từ Nhật Bản Ryosuke Fukusada đã tạo ra một bóng đèn chiếu sáng kỳ quái từ gỗ và tạo ra một hướng đi mới cho ngành thiết kế nội thất.
Ba năm trước, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thông báo về kế hoạch đưa người lên sao Hỏa. Giờ đây, họ thậm chí chuẩn bị xây dựng một quần thể nhà vòm sao Hỏa lớn trên sa mạc để thử nghiệm công nghệ mà họ sẽ sử dụng, trước khi thực hiện một kế hoạch lớn hơn.
Đặc biệt, đây là ống kính đầu tiên trên thế giới tích hợp đèn LED chiếu sáng dạng vòng xung quanh ống kính, hỗ trợ tối ưu cho việc chụp Macro, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu. Ngoài việc chuyên chụp Macro, người dùng có thể dùng ống kính này như một ống kính góc rộng thông thường, giúp đa dạng hơn trong quá trình sử dụng.