Vì sao Samsung vẫn duy trì được vị trí số 1 trên thị trường TV suốt 11 năm qua?
Thị trường điện tử luôn biến động không ai lường trước, và chỉ có những người dám thay đổi, dám đi trước để cách mạng mới có thể thành công. Đã từng có thời Nhật Bản là quốc gia số 1 về đồ gia dụng và đồ điện tử, cho đến khi chính họ không theo kịp cơn bão thời cuộc. Khi người Hàn thực sự bắt tay vào cạnh tranh, khoảng cách chất lượng dần dần bị xóa nhòa để rồi vào năm 2006, Samsung chính thức đánh bại Sony, trở thành nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới cho đến tận bây giờ.
Khởi đầu bằng màn ra mắt dòng TV cực hot R7 (‘Bordeux’) - sau này đã bán được tới 3 triệu sản phẩm, rồi sau đó là TV phong cách thiết kế Touch of Color (hay còn gọi là thiết kế pha lê) đến những chiếc TV màn cong UHD quyến rũ ngày hôm nay, Samsung đã giữ vững ngôi vị suốt 11 năm liên tiếp. Hãng cũng liên tục đạt được những dấu mốc khác biệt, ví dụ như cho ra đời chiếc TV mỏng nhất thế giới 29,9mm vào năm 2009, TV UHD lớn nhất thế giới, 110 inch vào năm 2013 và chiếc TV UHD màn cong 105 inch năm 2014. Tính đến nay, đã có rất nhiều nhà sản xuất TV khác nhăm nhe vị trí số 1 cũng như 20% thị phần toàn cầu của Samsung nhưng chưa có ai thành công.
Vì sao Samsung có thể làm được điều đó? Đó là vì họ dám đi tiên phong.
Khác biệt ở điểm biết nhìn ra nhu cầu thị trường
Những quyết định của Samsung luôn táo bạo ở một điểm: hãng rất biết cách tiến vào những phân khúc “chưa đâu có” và nghiên cứu được những công nghệ khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Năm 2011, một tay Samsung khai phá mảnh đất phablet trên smartphone, dù cho cố CEO Apple, Steve Jobs từng khẳng định “sẽ chẳng có ai thích một chiếc smartphone màn hình lớn”. Thực tế thế nào, ai cũng đã rõ, Samsung đã mở ra một chương mới cho lịch sử smartphone bằng phablet. Cũng chính Samsung là người đã biến màn OLED trên smartphone trở thành chuẩn mực mới của thời đại. Nhưng đó cũng là lý do nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao Samsung không áp dụng OLED lên các sản phẩm TV của mình?
Câu trả lời đó là: Khi LG, Sony hay Panasonic theo đuổi OLED, một mình Samsung tiến vào sân chơi chấm lượng tử, cho ra đời dòng TV QLED với nhiều lợi thế khác biệt. Những ưu điểm của QLED như hiển thị chính xác 100% dải màu sắc, độ sáng cao nhất thị trường lên tới 2000 nit, thiết kế tối giản rất ấn tượng, lại không vướng lỗi burn-in từng gặp trên các dòng TV LCD Plasma và cả OLED đã thực sự giúp Samsung khẳng định vị thế.
Sau đó, bằng những màn giới thiệu liên tiếp trên toàn thế giới, TV QLED chiếm lĩnh thế thượng phong ở rất nhiều thị trường lớn. Ở Mỹ, ngay trong quý đầu tiên của năm nay, Samsung chiếm tới 60% thị phần TV mức giá trên 1.500 USD, các chuyên gia nhận định con số này sẽ còn tăng hơn nữa sau màn ra mắt của TV QLED. Tại châu Âu, Samsung đứng vững vàng với 40% thị phần trong cùng thời điểm nói trên. Ngay cả ở thị trường khó tính nhất nhì thế giới, tập hợp toàn những nhà sản xuất rất mạnh cả về dây chuyền sản xuất lẫn tiềm lực như Trung Quốc, Samsung vẫn đang nắm giữ vị trí số 1. Tại đây, cứ 10 TV cao cấp bán ra, có tới 4 chiếc là do Samsung sản xuất.
Không dừng lại ở đó, Samsung tiếp tục cho thấy đẳng cấp chất lượng hiển thị của TV QLED bằng hợp tác với Portrait Displays, nhà cung cấp phần mềm cân chỉnh màu cho các thiết bị hiển thị hàng đầu trên thế giới. Samsung đã biến chiếc TV QLED của mình thành TV đầu tiên trên thế giới hỗ trợ tính năng tự động lấy chuẩn cho chất lượng hình ảnh HDR. Trước đây, tính năng này chỉ được áp dụng cho chất lượng hình ảnh SDR (Standard Dynamic Range).
Không chỉ dừng ở công nghệ khác biệt, Samsung còn rất biết cách chiều lòng khách hàng theo nhu cầu. Mới đây, Samsung chính thức ra mắt TV QLED kích cỡ 49 inch tại Việt Nam. Đây được đánh giá là động thái rất phù hợp với nhu cầu khách hàng - nhưng là điều rất nhiều hãng TV lớn khác chưa nhìn ra.
Năm 2014, 63% TV bán trên thế giới có kích thước màn hình lớn hơn 40 inch, một bước tiến đáng kể so với con số 32% vào năm 2009. Không những thế, theo ước tính của hãng IHS Technology, những TV màn hình trên 40 inch sẽ chiếm đến 80% doanh số TV toàn cầu vào năm 2019. Còn tại Việt Nam, trong năm 2015, phân khúc TV màn hình 49 inch mới chỉ chiếm 18,3% thị phần nhưng ước tính đến năm 2017, nó có thể chiếm đến 25% thị phần.
Ở một khía cạnh khác, theo dữ liệu của tổng cục thống kế, thu nhập bình quân theo đầu người của nước ta hiện nay là 2.215 USD/năm. Với mức thu nhập không phải là cao như vậy, hẳn nhiên mỗi người tiêu dùng khi rút hầu bao chi tiêu đều rất đắn đo.
Như vậy, nhu cầu thị trường ở đây là một chiếc TV cao cấp có giá phù hợp với thu nhập trong khi vẫn phải đảm bảo về chất lượng hiển thị, quan trọng nhất là có kích cỡ phù hợp với căn hộ. 49 inch chính là con số vàng người tiêu dùng đang hướng tới.
Ngay khi nhìn thấy tiềm năng của thị trường, Samsung đã cho ra đời Q7F bản 49 inch, chiếc TV QLED với đầy đủ những đặc tính tốt nhất của công nghệ quantum dot cùng kích cỡ phù hợp, giá bán không thể hợp lý hơn: chỉ 37 triệu VNĐ.
Ở mức giá này, cũng như kích cỡ vừa vặn 49 inch, không một nhà sản xuất TV nào trên thị trường có sản phẩm tương ứng để đối đầu với Q7F. Động thái này của Samsung hứa hẹn sẽ mở ra một cuộc đua mới trên thị trường TV, mà ở đó người có lợi nhất chính là khách hàng.