Không phải Google, không phải HTC, kẻ đang đặt cược sống còn vào Pixel chỉ có LG mà thôi
Liên tiếp những scandal bootloop đã biến LG thành một đối thủ hạng hai trong cuộc chiến smartphone khốc liệt. Pixel 2 XL là cơ hội duy nhất để công ty xứ Hàn "đổi đời".
Pixel 2 XL không chỉ gợi nhắc đến LG G6. Trong vòng 4 năm, LG cũng đã từng sản xuất 3 chiếc điện thoại mang thương hiệu của Google: Nexus 4, Nexus 5 và Nexus 5X. Khi LG đặt chân lên hệ điều hành của Google quá muộn (vì còn ở lại với Windows Mobile đến tận... 2011), cả Nexus 4 và Nexus 5 đã giúp tạo ra một thông điệp quan trọng rằng LG có thể tạo ra những chiếc smartphone Android chất lượng ở mức giá vừa phải.
Trong khi Nexus 4 và Nexus 5 đều có cấu hình cao và giá rẻ (nói cách khác, tỷ lệ lợi nhuận thấp) và cũng chẳng mang một chút dấu ấn riêng nào, có thể nói rằng cả 2 mẫu smartphone này đều đã là bàn đạp quan trọng để LG tạo cú sốc với G2 và G3. 2 chiếc Nexus đầu tiên của LG đã góp phần giúp hãng điện tử Hàn Quốc vươn lên trở thành một tên tuổi quan trọng của thế giới Android.
Quá khứ huy hoàng của LG.
Ấy vậy nhưng vận đen sẽ sớm bám đuổi mảng smartphone của LG. Chiếc G4 ra mắt không chỉ với vi xử lý Snapdragon 808 kém cỏi (vì Snapdragon 810 bị... quá nhiệt) mà còn gặp hiện tượng bootloop. Lỗi chết người này tiếp tục ảnh hưởng đến V10 và V20, 2 thiết bị đại diện cho tầm nhìn “smartphone đầu bảng tập trung cho nội dung số” của LG. Ngay cả chiếc Nexus cuối cùng được sản xuất cho Google, Nexus 5X cũng mắc phải sự cố này.
Đau đớn nhất, lỗi bootloop là thủ phạm chính giết chết giấc mơ module hóa smartphone của LG nói riêng và của toàn bộ thế giới Android nói chung. Làm sao người dùng có thể tin vào smartphone module khi sản phẩm “hoàn thiện” đầu tiên đến tay họ lại gặp lỗi biến thành cục gạch?
Đến năm nay, bóng ma bootloop đã lùi xa. LG vượt mặt cả Samsung và Apple để đưa thế giới tiến lên tiêu chuẩn màn hình 2:1. Ấy vậy nhưng G6 lại không được trang bị Snapdragon 835 mới nhất. Trong một thị trường Android vẫn đang quá ám ảnh với cấu hình, G6 không có nổi một cơ hội cạnh tranh nào trước Galaxy S8 cả.
Những sản phẩm thiếu sót đã khiến LG Mobile phải chịu lỗ quá lâu rồi.
Đi qua 3 năm đen tối, mảng smartphone của Google đã phải liên tục chấp nhận những khoản lỗ khổng lồ. LG có thể mang tiền từ các mảng kinh doanh khác đầu tư vào smartphone, nhưng rõ ràng là gã khổng lồ Hàn Quốc đã trượt dài từ khung cảnh tươi sáng được Nexus 4 và Nexus 5 kiến tạo cách đây 3 năm. Nhắc đến Android, người ta sẽ nghĩ đến Google và Samsung trước tiên, tiếp đến là các tên tuổi Trung Quốc rồi mới nghĩ đến LG.
Đến cuối 2017, một khung cảnh tương tự như 2012 đang lặp lại. LG lại đứng sau Google để tạo ra một chiếc điện thoại thực sự chất lượng. Với Pixel 2 XL, phần lớn sức hấp dẫn vẫn thuộc về Google khi gã khổng lồ tìm kiếm tung ra một loạt các tính năng AI ấn tượng để bù đắp cho phần cứng không có gì nổi trội.
Rất lâu rồi LG mới có một sản phẩm hoàn hảo, dù là phải nhờ cậy Google.
Nhưng LG vẫn là một nửa của Pixel 2 XL. Lần đầu tiên trong nhiều năm, hãng điện tử Hàn Quốc mới có thể tạo ra một mẫu smartphone có cấu hình mạnh mẽ nhất tại thời điểm phát hành, có thể cạnh tranh sòng phẳng với Samsung và Apple trên mọi khía cạnh và quan trọng nhất là không bị “bóng ma” bootloop đè nặng.
Có lẽ, LG còn tâm huyết với Pixel 2 XL hơn cả Google. Bởi nếu Pixel 2 XL có thất bại thì Google vẫn còn thừa tiền của và nhân tài để làm Pixel 3, 4, 5... Còn LG chưa biết sẽ khốn đốn đến thế nào nếu lại tiếp tục tung ra những sản phẩm đáng thất vọng.
Chỉ trong vài giờ, phiên bản Pixel 2 XL đen/trắng đã cháy hàng. Những hy vọng lại bùng cháy trở lại. LG đã một lần nữa tạo ra một chiếc điện thoại được các fan Android yêu quý. Liệu thành công này có được nhân rộng lên tầm cỡ hàng triệu máy để tạo ra tiền đề vững chắc cho thành công của G7/V40? Liệu LG Mobile có thể thoát lỗ?
Điểm khởi đầu cho một chương tươi sáng?
Tương lai ra sao, chỉ LG mới có thể quyết định được. Nhưng lần này, LG đã có thêm một kho kinh nghiệm quý báu để thực sự mở ra một chương tươi sáng hơn cho những chiếc smartphone mang thương hiệu G, V, Q, X và K. Nếu LG có thể vươn mình trở lại thành một thế lực smartphone, hãy ghi nhớ rằng công đầu thuộc về Google và Pixel 2 XL.